Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

SỬ DỤNG SƠN NƯỚC KHI XÂY NHÀ - 08

- Bài viết này mình sẽ không đề cập tới những câu hỏi như:  "vì sao phải sơn ngôi nhà của mình ?"; "Hãng sơn nào tốt nhất ?"... - vì chắc chắn bạn đã tìm hiểu...
- KTS sẽ là người phối mầu và chọn một hãng sơn tốt cho bạn. Nhưng bạn là người có cá tính, bạn có thể tự tìm hiểu và tự sơn ngôi nhà của chính mình... (tất nhiên chuyên vẫn hơn)... Vì vấn đề về màu sắc, nó phụ thuộc vào sự cảm nhận của mỗi người. Sự phối hợp hài hòa màu sắc tổng thể cho ngôi nhà rất là quan trọng. Ngoài vấn đề màu sắc của tường, sàn, trần... bạn còn phải tưởng tượng đến cả màu sắc của đồ đạc mà bạn sẽ bầy đặt trong các phòng... Hãy chọn màu theo bảng màu của nhà sản xuất. Nên xem thử màu bằng cả ánh sáng ban ngày và đèn điện ban đêm. 
- Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm về phần sơn như sau: - có thể nó sẽ giúp ích cho bạn !


1- Quy trình sơn:
- Cùng là một hãng sơn nhưng bạn phải chọn 2 loại sơn ngoài trời và trong nhà theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 
- Tính năng và tác dụng của 2 loại sơn đó tuy khác nhau nhưng cả 2 đều được thực hiện theo một quy trình sơn là: - Xử lý bề mặt > Sơn lót > Sơn phủ.
+ Sơn nội thất thường không có khả năng chống thấm, chống rêu mốc vì nó không trực tiếp chịu tác động của môi trường.
+ Sơn ngoại thất chịu đựng được sự tác động của môi trường, nên nó có khả năng chống mốc, chống thấm.
2- Điều kiện chuẩn bi thi công sơn:
- Thời gian tốt nhất khi tiến hành sơn được là vào khoảng 30 ngày sau khi (tô) trát hoàn thiện phần thô.
- Độ ẩm trung bình của tường khi sơn khoảng 10>15%.
- Xử lý bụi bẩn, dầu mỡ, tạp chất... bề mặt cần sơn.
- Chống thấm những vị trí cần thiết như chân tường bằng vật liệu SIKA LATEX; CR7 CTD11A trộn xi-măng; KOTE BLACK-INVIS 02A... hoặc chất chống thấm chuyên dụng của chính hãng sơn đó.
3- Các bước thi công sơn:
- Trộn Matit theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác...
- Bả matit 2 lớp dày không quá 3mm bằng dụng cụ bả trét... lớp trước cách lớp sau 2 giờ. Nhằm mục đích tạo nên bề mặt nhẵn mịn, tăng tính thẩm mỹ, tăng độ bám dính kết cấu cho màng sơn tiếp theo.
- Các thành phần cơ bản của MATIT (Bột trét) thông thường gồm: Chất kết dính + Chất độn + Phụ gia.
+ Chất kết dính thông thường gồm 2 loại là: - chất kết dính dạng khoáng (Xi-măng hoặc Gypsum) và chất kết dính Polymers.
+ Chất độn: Được sử dụng để tăng cường một số hoạt tính, tăng độ vững chắc, khả năng thi công, chống chảy và tăng thể tích. Chất độn thường sử dụng là Carbonate calcium...
+ Phụ gia: Là loại nguyên liệu chiếm 1 phần nhỏ trong thành phần Matit, nhưng đóng vai trò rất quan trọng, tạo cho sản phẩm một số tính chất cần thiết: - Giữ nước cho thời gian ninh kết; Giúp thi công dễ dàng; Tăng thời gian thi công; Xúc tiến đông cứng...

- Nhám phẳng, nhẵn nhụi bằng giấy nhám, rồi tiếp tục xử lý sạch bụi bẩn bề mặt lớp Matit... để khô.
- Pha sơn lót theo hướng dẫn...
- Sơn kỹ, đều 2 lớp sơn lót trên bề mặt lớp Matit bằng con lăn bông hoặc chổi sơn..., để thời gian khô giữa 2 lớp sơn theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác vì sơn lót là lớp sơn rất quan trọng, có các tác dụng như: - Tạo độ bám dính cho bề mặt sử dụng và lớp sơn phủ; bảo vệ lớp sơn phủ không bị các phản ứng hóa học xảy ra từ bên trong như kiềm hóa, thấm, ăn mòn, tránh cho lớp sơn phủ không bị đổi màu, ố vàng, bong tróc... 
- Tiếp tục sơn kỹ, đều 2 lớp sơn phủ (mầu) trên bề mặt lớp sơn lót, cũng để thời gian khô giữa 2 lớp sơn theo hướng dẫn ghi trên nhãn vì sơn phủ có các đặc điểm sau:
Thành phần cơ bản lớp sơn phủ bao gồm: Chất kết dính (tạo màng) + Bột màu + Bột độn + Phụ gia + Dung môi…
+ Chất kết dính: cho tất cả  các loại bột màu và tạo màng bám dính trên bề mặt vật chất. Chất kết dính sử dụng trong sơn nước được xác định bởi loại sơn, khả năng sử dụng và mục đích sử dụng. Chất kết dính phải  bảo đảm về khả năng bám dính, liên kết màng và độ bền màng.
+ Bột độn: được sử dụng trong thành phần của sơn nhằm cải tiến một số tính chất sản phẩm như; tính chất màng sơn (độ bóng, độ cứng, độ mượt...), khả năng thi công, kiểm soát độ lắng. Chất độn thường được sử dụng như: Carbonate calcium, Kaoline, Oxide titan, Talc.
+ Bột màu: Nguyên liệu màu sử dụng trong sơn thường là dạng bột. Chức năng chính của màu là tạo màu sắc và độ che phủ cho sơn. Ngoài ra, màu còn ảnh hưởng một số tính chất màng sơn như: độ bóng, độ bền...
Màu gồm hai loại: Vô cơ và Hữu cơ.
* Màu vô cơ (màu tự nhiên): Tông màu thường tối, xỉn nhưng cho độ phủ cao, độ bền màu tốt.
* Màu hữu cơ (màu tổng hợp): Tông màu tươi sáng, cho độ phủ thấp, độ bền màu thấp hơn màu vô cơ.
+ Phụ gia: Là loại chỉ sử dụng với một lượng rất nhỏ nhưng làm tăng giá trị sử dụng, khả năng bảo quản, tính chất của màng.
Dung môi: Là chất hòa tan nhựa hay pha loãng sơn. Đặc tính nhựa trong sơn sẽ quyết định loại dung môi được sử dụng.
Hiểu và làm đơn giản như thế thôi ! có thêm tý bản lĩnh leo trèo nữa để sơn xong quả nhà của mình là bạn thành cụ nó thợ sơn mất rồi ! - Nhân đây mình cũng xin giới thiệu là có thằng bạn thân từ hồi chăn trâu cắt cỏ, hiện nó đang làm chủ dây chuyền một hãng sơn nước công nghệ Nhật, số má tại Hà Nội. Nó hứa sẽ sơn mọi giấc mơ cho người Việt... Bạn nào có nhu cầu mở đại lý alô cho mình...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét