Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

ƠN BẤT KHẢ NGỘ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG

Bằng chứng hay tính hiển nhiên cho Ơn Bất Khả Ngộ của Đức Giáo Hoàng (Papal Infallibility) là một phần của Đức Tin Kitô Giáo, được phát xuất từ 3 nguồn : Thánh Kinh (Scripture), Lịch sử (History) và Luận lý (logic).

Cộng Đồng Vatican I vào năm 1870 đã công bố “Ơn Bất Khả Ngộ” của Đức Giáo Hoàng mà mọi tín hữu phải tin. GLGHCG#891 dạy rằng : "Đức Giáo chủ Rôma, thủ lãnh của Giám mục đoàn, được hưởng ơn bất khả ngộ này nhân danh nhiệm vụ của ngài khi, với tư cách là chủ chăn và thày dạy tối cao của tất cả các tín hữu, và có trách nhiệm củng cố đức tin của anh chị em mình…”. Chúng ta phải nhớ rằng không phải vào ngày công bố tín điều nào thì tín điều đó mới trở thành chân lý. Mà nó luôn luôn đã là chân lý, là sự thật. Nó chỉ khác đi vẻ bên ngoài đối với đòi hỏi của đức tin ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử, và khi đòi hỏi xảy ra bởi sự quan tâm sâu sắc hay thắc mắc gia tăng, bấy giờ Giáo hội mới giải quyết khó khăn bằng cách công bố chính thức về chân lý của vấn đề đó -để chấm dứt sự mơ hồ hay nhầm lẫn- (dĩ nhiên phải trải qua quá trình cầu nguyện, nghiên cứu, tham khảo rộng khắp). Do đó ơn Bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng luôn luôn là chân lý, hơn nữa, chân lý đó đã được chấp nhận và diễn tập từ rất sớm.

Khi Đức Giáo Hoàng có ý muốn dạy dỗ với quyền tối thượng của Ngài về vấn đề đức tin và luân lý cho Giáo hội hoàn vũ, Ngài đuợc Chúa Thánh Linh (Linh hồn của Giáo hội) gìn giữ, nên không hề bị sai lầm. Do đó việc dạy dỗ của Ngài được gọi là “không sai lầm” (infallible) và tín điều đó có thể gọi là”không thể làm hoàn mỹ hơn nữa” (irreformable)

Sẽ không đúng khi nói rằng với ơn “Bất khả ngộ” của mình Đức Giáo Hoàng có thể thay đổi giáo thuyết (doctrine) của Hội Thánh. Ngài có thể ra lệnh thay đổi những vấn đề như phụng tự hay thủ tục cai quản. Nhưng Ngài không bao giờ, thí dụ, thay đổi sự giảng dạy là Thiên Chúa chỉ có hai ngôi chẳng hạn. Ngài định rõ giáo thuyết của Giáo Hội chứ không phải Ngài phát minh ra nó.

Những tín điều phải tin, được Đức Giáo Hoàng công bố từ “ngai” của Ngài không nhiều, trong vòng 156 năm : Đức Giáo Hoàng Piô IX, năm 1870 công bố tín điều về ơn “Bất khả ngộ”. Và năm 1854 tín điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác lên trời” năm 1950. Cả hai tín điều về Đức Mẹ đã được tranh cãi sôi nổi trong Giáo Hội trong nhiều thế kỷ, và được tham khảo ý kiến hết sức rộng rãi trong từng địa phận truớc khi được công bố thành tín điều. Chắc chắn là ba tín điều nêu trên được công bố từ “ngai” “ex cathedra” (from the chair) của Đức Giáo Hoàng, ngoài ra chúng ta có thể cộng thêm những lần phong thánh.

Tóm lại, ơn “Vô Ngộ” là sự khác biệt giữa Công giáo và Tin lành, kể cả một số người Công giáo cũng chống đối khó chịu, vì đã là con người ai cũng có thể phạm sai lầm. Đức Giáo Hoàng cũng là con người dù cho thông minh tới đâu. Đúng vậy, ơn “vô ngộ” là đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội để giảng dạy, do đó Đức Giáo Hoàng chỉ được Chúa Thánh Thần gìn giữ nên “Không sai lầm” khi dạy dỗ hay tuyên bố những điều liên quan đến đức tin và luân lý Kitô  giáo mà thôi.

Ghi chú : Căn cứ vào những tiêu chuẩn của Đức Giáo Hoàng Piô IX, đối với trường hợp của Galileo bị kết án, không có ơn “Bất khả ngộ” can dự vào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét