Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường đi qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy có một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa nghịch. Đức Khổng Tử dừng lại hỏi cậu bé :
- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia ? Cậu bé đáp :
- Đùa giỡn thì vô ích. Sự đùa giỡn có thể làm rách quần áo, nhọc công mẹ vá khâu và làm buồn lòng đến cha, nên tôi không đùa nghịch.
Nói xong, cậu tiếp tục đắp thành. Đ. Khổng Tử lại hỏi :
- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao ?
Cậu bé thản nhiên đáp :
- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.
Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời hay quá, thấy cậu bé nầy có vẻ khác lạ, liền xuống xe đến gần cậu bé bàn luận nhiều việc xa xôi. Cậu bé đều trả lời xuôi rót, nhưng có tánh cách biến trá. Đức Khổng Tử trách rằng :
- Cậu hãy còn bé mà sao đã biến trá lắm vậy ?
- Người ta sanh ra 3 ngày đã biết tìm vú mẹ, con thỏ sanh ra 3 ngày đã chạy tung tăng trên đồng nội, con cá sanh ra 3 ngày thì biết xuôi ngược khắp sông hồ. Đó là tánh tự nhiên, sao gọi là biến trá ?
- Cậu ở xóm nào, làng nào, cha mẹ ở đâu ?
- Tôi sanh tại đây, họ Hạng tên Thác, chưa có tên tự.
- Ta muốn cậu cùng đi chơi với ta, ý cậu thế nào ?
- Trong nhà tôi còn có cha, cần phải phụng, còn có mẹ cần phải dưỡng, có anh để phụ tùng, có em phải dạy dỗ, còn có thầy để học hỏi, đâu có rảnh để đi chơi với ông.
- Trong xe ta có sẵn 32 con cờ, ta muốn cùng cậu đánh cờ, cậu có bằng lòng không ?
- Thiên tử mê cờ thì bốn biển không người gìn giữ, chư Hầu mê cờ thì chính sự không an, nho sĩ mê cờ thì việc học đình trệ, nông phu mê cờ thì quên việc cày cấy, vì thế tôi không đánh cờ.
- Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không ?
- Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tỳ. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tỳ thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên tôi không bình luận việc thiên hạ.
Đức Khổng Tử lại hỏi :
- Lửa nào không khói ? Nước nào không cá ?
Núi nào không đá ? Cây gì không cành ?
Người nào không vợ ? Ai kẻ không chồng ?
Trâu nào không nghé ? Ngựa nào không con ?
Trống nào không mái ? Mái nào không trống ?
Ai là quân tử ? Ai kẻ tiểu nhân ?
Vật gì không đủ ? Vật gì có thừa ?
Thành nào không chợ ? Người nào không con ?
Cậu bé Hạng Thác liền đáp :
- Lửa đôm đốm không khói. Nước giếng không cá.
Núi đất không đá. Cây khô không cành.
Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.
Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
Trống độc không mái. Mái độc không trống.
Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân.
Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.
Sau khi Hạng Thác trả lời xong, Đức Khổng Tử hỏi tiếp :
- Cậu có biết gì về lẽ Đạo hằng của Trời Đất ?
Sự cuối cùng của Âm Dương ?
Đâu là phải ? Đâu là trái ?
Đâu là trong ? Đâu là ngoài ?
Ai là Cha ? Ai là Mẹ ?
Ai là chồng ? Ai là vợ ?
Gió từ đâu đến ? Mây từ đâu ra ?
Sương từ đâu có ? Trời Đất xa nhau mấy dặm ?
Cậu bé Hạng Thác liền trả lời :
- 9 lần 9 chu kỳ là 81. Ấy là đạo của Trời Đất.
8 lần 9 là 72. Ấy là Âm Dương cùng cuối.
Tây là phải. Đông là trái.
Trong là lý. Ngoài là biểu.
Trời là Cha. Đất là Mẹ.
Mặt Trời là chồng. Mặt Trăng là vợ.
Gió từ cây xao động. Mây trong núi bay ra.
Sương từ đất dậy. Trời Đất xa nhau ngàn ngàn
vạn vạn dặm.
Cậu bé Hạng Thác đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của Đức Khổng Tử. Bây giờ cậu bé xin thỉnh giáo Đức Khổng Tử đôi điều :
- Thưa Ngài, vịt ngỗng sao nổi trên mặt nước ?
Chim hồng chim nhạn sao lại kêu to ?
Tùng bách sao ngày Đông vẫn xanh lá ?
Đức Khổng Tử đáp rằng :
- Vịt ngỗng vì chân nó banh mà nổi bơi trên mặt nước.
Chim hồng chim nhạn kêu to là vì cổ nó dài.
Tùng bách ngày Đông xanh lá là vì ruột nó đặc.
Cậu bé Hạng Thác cười nói rằng :
- Chắc không hẳn như vậy đâu.
Tôm cá vẫn nổi trên mặt nước mà chân nó có banh đâu.
Ễnh ương, ếch nhái kêu to mà cổ của nó có dài đâu.
Cây trúc rổng ruột mà ngày Đông vẫn xanh lá.
Sau khi bắt bẻ các câu trả lời của Đức Khổng Tử, Thần đồng Hạng Thác hỏi tiếp :
- Trên bầu Trời có sao lấp lánh, vậy thưa Ngài có tất cả bao nhiêu vì sao ?
- Chuyện dưới đất không thiếu gì sao lại hỏi chuyện trên Trời.
- Vậy dưới đất nhà cửa san sát có bao nhiêu ngôi nhà ?
Đức Khổng Tử lại nói rằng :
- Ta nên nói ngay chuyện trước mắt có phải là thực tế hơn không, cần gì nói chuyện Trời Đất.
- Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài cho biết lông mày có bao nhiêu sợi ?
Đức Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi.
Ngài quay lại nói cùng các học trò rằng : “ Hậu sanh khả úy.” (kẻ sanh sau đáng sợ thật). Đó là kẻ rất khó tìm thấy trong thiên hạ. Nói xong Ngài trở lên xe đi thẳng.
Bài thi : Thần đồng vấn Khổng Tử :
Hưu khi niên thiếu thông minh tử,
Quảng hữu anh tài trí quá nhân.
Đàm luận thế gian vô hãn sự,
Phân minh Cổ Thánh hiện kỳ thân.
Tạm dịch :
Đừng khinh tuổi trẻ bậc Thần đồng,
Có lắm anh tài trí quảng thông.
Luận việc thế gian không giới hạn,
Thánh xưa hiện rõ thể vừng đông.
Tối hôm ấy, Đức Khổng Tử ngồi thẩn thờ trước án, ngọn đèn bạch lạp lụn tàn. Tử Lộ mạo muội vào hỏi thầy :
- Thầy trầm tư về cuộc tranh luận với Hạng Thác ? - Phải.
- Thầy không vui vì mình yếu lý ? - Không.
Thấy Tử Lộ có ý hồ nghi, nên Đức Khổng Tử nói tiếp :
- Nầy Do, bình sanh ta đi chu du thiên hạ để truyền bá Nhơn đạo, mặt luôn luôn hướng thẳng, lòng sáng tợ gương, ý thành, ngôn chánh. Còn miệng lưỡi của Hạng Thác là miệng lưỡi của phường biện sĩ, nên có thể chứng minh ngựa trắng không phải là ngựa trắng. Khi xướng thuyết Liên Hoành cũng thuận, mà bày kế Hợp Tung cũng thông. Xét từ bản chất của ngôn ngữ, cuộc tranh luận vừa qua cũng như nước chảy dòng đôi, xa trăm ngàn đợt sóng nhấp nhô, nhưng kỳ thật không lượn lớn lượn nhỏ nào va chạm. Do làm sao hiểu được !
(Tử Lộ là học trò giỏi của Đ. Khổng Tử, tên Trọng Do, kêu tắt là Do)Tử Lộ hỏi : - Vậy cớ nào thầy buồn ?
- Ta buồn vì có Khổng Khâu mà còn phường biện sĩ. Hạng Thác nhắc cho ta nhớ đến vai trò của kẻ biện sĩ. Biện sĩ chỉ thuyết cho sự lợi ích mà không thuyết cho Chơn Lý. Khắp thiên hạ, kẻ cầu lợi đông như kiến cỏ, người hướng về Chơn Lý đốt đuốc khó tìm.Thế sự trôi chảy không ngừng. Chánh đạo của ta liệu truyền lưu được bao lâu nữa ? Đó chẳng phải là điều đáng buồn hay sao ?
Tử Lộ toan lui ra, Đức Khổng Tử kêu lại hỏi :
- Trò Do, trò còn nhớ người hiền nước Sở ?
- Bẩm, có phải là Sở cuồng Tiếp Dư ca hát nghêu ngao.
- Trò còn nhớ 2 ẩn sĩ họ Kiệt, họ Tràng ?
- Bẩm, có phải 2 lực điền ở giáp ranh Sở, Thái ?
- Họ khuyên ta bỏ đi việc chính sự lụy phiền, để làm người tỵ thế. Khuyên ta : Trời không hề nói gì mà vạn vật điều hòa. Ta cũng muốn êm lời, nhưng gặp việc nghĩa mà không làm, biết Chơn Lý mà không nói thì phải sống với đồng loại hay sống với chim muông !
Tử Lộ ra ngoài nói với các bạn : Thầy nói : Hậu sinh khả úy. Không phải sợ kẻ sanh sau tài giỏi hơn mình, mà sợ họ làm sai lạc Chánh lý bằng ngoa ngôn xảo ngữ vị lợi đó thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét