Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

RAU BÁT GIẢI ĐỘC CƠ THỂ.

Mảnh bát hay còn gọi là Bát bát, Hoa bát, Dây bình bát, Dưa dại, Dây miểng bát (Nam Bộ).Tên khoa học: Coccinia cordifolia (L.) Cogn, họ Bí (Cucurbitaceae).

1. Đặc điểm hình thái và sinh thái

- Cây thảo nhẵn và mảnh, mọc leo cao, đôi khi dài tới 5m hay hơn. Lá mọc so le, hình tim, có cuống dài, khía 5 thùy nông, mép có răng cưa. Tua cuống đơn, mọc đối diện với lá. Hoa đực và hoa cái giống nhau, mọc đơn độc hay xếp hai cái một ở nách lá, có cuống dài 2cm, rộng 2,5cm, khi chín có màu đỏ và thịt quả đỏ chứa nhiều hạt. Ra hoa, kết quả quanh năm.

- Loài phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… Mọc hoang trên nương rẫy, ở rào, lùm bụi từ vùng thấp tới vùng cao 1500m khắp nước ta. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

2. Công dụng, chế biến và một số bài thuốc
- Lá và quả non dùng làm rau ăn. Ngoài ra, dân gian dùng củ ngâm rượu bóp chữa sưng đau hay các khớp bị viêm; có người dùng dây. Lá Mảnh bát phối hợp với Bùm sụm, Cỏ mần trầu, Dền gai, mỗi thứ một nắm sắc uống để trị huyết áp.

- Theo sách cổ Vệ sinh yếu quyết, Hải Thượng Lãn Ông đã dùng dây Mảnh bát để chữa trúng độc bằng cách lấy rễ củ của cây để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống hoặc rễ phơi khô 30-50g, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.

- Theo kinh nghiệm dân gian, lá Mảnh bát để tươi, giã đắp chữa mụn nhọt, lở loét, vết cắn do rết hoặc côn trùng, nếu giã nát lá, thêm nước, gạn uống, rồi lấy bã hơ nóng, xoa miết khắp người chữa cảm sốt, đau đầu. Hạt Mảnh bát nghiền nát, trộn với dầu dừa, bơi hàng ngày có tác dụng chữa ghẻ.

- Dây Mảnh bát 50g, phối hợp với rễ cây Chùm ngây 30g. Cam thảo dây 20g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa đái rắt hoặc bí đái. Để chữa trĩ, lấy lá Mảnh bát tươi 50g, rau Diếp cá tươi 50g, hoa Mào gà 5g, xơ Mướp đốt tồn tính 5g, sắc uống trong ngày (Kinh nghiệm của Phòng chẩn trị Đông y dân lập Phan Thiết).

3. Trồng và chăm sóc


- Thời vụ: Có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung vào đầu mùa xuân từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 9.

- Chọn và làm đất: Mảnh bát ưa đất tốt, giàu mùn, tơi xốp, có cấu tượng nhẹ, dễ thoát nước vì vậy nên chọn những chân đất cao ráo, đất thịt nhẹ pha cát như đất phù sa ven sông, suối. Với đất bãi, đất vườn chỉ cần cày bừa, lên luống rộng 1m, luống nổi cách mặt đất từ 20-30cm, giữa các luống có rạch thoát nước và đi lại rộng 30-40cm.

- Mật độ và cách gieo trồng: Có thể ngâm hạt trong nước ấm, vớt ra ủ trong khăn ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo trực tiếp trên hố hoặc gieo vào bầu chăm sóc thành cây giống cứng cáp rồi đem trồng. Hố trồng 20x20x20cm được làm trên luống, khoảng cách giữa các hố từ 0,8-1m. Mỗi hố bón 1-2kg phân chuồng hoai. Nếu gieo hạt thì mỗi hốc gieo 2-3 hạt, khi đã mọc thì chọn giữ lại một cây khỏe mạnh còn nhổ bỏ hoặc để trồng dặm cho những hốc không mọc hoặc mọc yếu.

- Chăm sóc, thu hái: Khi cây đã bén rễ, hồi xanh nên tưới 7 ngày/lần bằng nước phân chuồng pha loãng. Cắm choái cho cây leo, cắm theo hình mái nhà cao từ 1-1,5m, kết hợp nhổ sạch cỏ. Khi cỏ đã bò lên phủ các choái có thể thu ngọn và lá non làm rau và kích thích xung hóa chồi.

Đây là cây mọc hoang tự nhiên khá phổ biến. Trong thực tế loài rau này ít được trồng mà chủ yếu là tiến hành chăm sóc cây tự nhiên theo hướng lấy rau ăn. Đối với loài này cần cắm cọc và làm giàn leo. Biện pháp thông thường dễ áp dụng lá bứng cây con hoặc gốc cây mẹ trồng quanh hàng rào để tận dụng giàn leo cho cây.

Nguồn : Rau rừng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét