Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

SÂM CỦA NGƯỜI NGHÈO

Đinh Lăng lá nhỏ,
Quá tuổi ba năm.
Rễ dùng ngâm rượu,
Lợi tiểu, nhuận tràng.

Thân cành sao vàng,
Trị phong tê thấp.
Hạ sốt khẩn cấp,
Chống đau dạ con.

Nem nắm lá non,
Rượu còn nem hết.
Dùng lá để tết,
Món gỏi Nhệch ngon.

Lá còn trị bệnh,
Gối mỏi lưng đau,
Ăn sống như rau,
Bệnh tiêu tật mất.

Lá chữa lành chứng,
Cúm cảm váng đầu.
Lá đem vò rầu,
Đắp tan mụn nhọt.

Đinh Lăng tổng hợp
(Thân, rễ, lá, cành)
Băm nát tanh bành,
Phơi khô, sao, sắc,
Được thang đậm đặc.
- "Dược liệu Thần Tiên"
Hoặc rượu ngâm liền,
Thành - "Sâm cường lực".
Tác dụng rất thực
Trị thể lực suy,
Nhược cơ yếu gầy
Thoát tay thầy thuốc.

Vài lời nhem nhuốc
Chia sẻ thành tâm
Mời tiếp sưu tầm
Lãn Ông Hải Thượng.

------------
<c.Ếch>
------------
Thành phần hoá học:
Trong thân củ đã tìm thấy có các alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1 các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin … là những axit amin không thể thay thế được (Ngô ứng Long – Viện quân y, 1985).

Tác dụng dược lý:
Năm 1961, các khoa dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý Viện y học quân sự Việt Nam nghiên cứu tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể và một số tác dụng khác đã đi đến kết luận sau đây:
1. Nuớc sắc rễ (củ) có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự như nhân sâm.Tam thất và các cây khác cùng họ có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể (thí nghiệm trên chuột mình tròn lội nước theo phương pháp (thí nghiệm cấp tính của I. I. Brekman). Nhưng trên thí nghiệm trường diễn, tác dụng chóng hết và thường hay tích luỹ.
2. Với liều 0,1 ml cao lỏng Đinh lăng cho 20g thể trọng sống làm giảm hoạt động của chuột nhắt trắng.
3. Hoạt chất có trong thân rễ tác dụng trực tiếp trên cơ tim ếch, cô lập (theo phương pháp Straub) với liều nhất định làm giảm trương lực cơ tim, làm tim co bóp yếu và thưa, tiến tới tim ngừng đập.
4. Dung dịch nước 0,2 đến 1% rễ Đinh lăng gây co mạch tai thỏ cô lập theo phương pháp Kravkov.
5. Với liều 0,5 ml dung dịch cao Đinh lăng 100-200% trên 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai đều tăng cường hô hấp về biên độ và tần số: Huyết áp nhất thời hạ xuống.
6. Trên tử cung tại chỗ, với liều 1 ml dung dịch cao Đinh lăng 100% cho 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai làm tăng co bóp tử cung nhẹ.
7. Đinh lăng có tác dụng tăng tiết niệu gấp trên 5 lần so với bình thường với liều uống 2 ml dung dịch Đinh lăng 100% cho 100g thể trọng (thí nghiệm trên chuột bạch Trung Quốc).
8. Liều độc: ít độc, so với Nhân sâm còn ít độc hơn. Giải phẫu bệnh lý những chuột chết vì liều độc thì thấy gây tổn thương nặng tổ chức cơ sở các tạng nhất là ở gan, thận, tim, não, cuối cùng chết. Liều độc tiêm phúc mạc DL50 của Đinh lăng là 32,9g/kg trong khi đó DL50 của nhân sâm là 16,5g/kg, của Ngũ gia bì Liên Xô cũ (Eleutherococcus) là 14,5g/ kg, chứng tỏ Đinh lăng ít độc hơn 2 vị thuốc nhân sâm và ngũ gia bì Liên Xô cũ. Cho uống với liều 50g/kg thể trọng chuột vẫn sống bình thường.Độc tính trường diễn thấy xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, biến loạn dinh dưỡng tim, gan, thận. Trước khi chết có hiện tượng ỉa lỏng, xù lông, mệt mỏi, kém ăn, sụt cân.
9. Làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu cao tần và thấy có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột hơn so với một số thuốc như Ngũ gia bì Eleutherococcus của Liên Xô cũ, Đương qui, Ba kích. Tác dụng này có thế là do tính chất bổ chung nhưng còn có thể do cơ chế điều nhiệt của Đinh lăng.
10. Ngô ứng Long và Xavaev (Liên Xô cũ) đã cùng nhận thấy cây thuốc có tác dụng tốt đối các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập trong tư thế tĩnh, đầu dốc ngược.Thực nghiệm trên người, viên bột rễ làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như luyện tập.


Theo Đông y:
Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng: Thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Theo các nhà dinh dưỡng:
Trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Theo kinh nghiệm dân gian:
Lá đinh lăng được dùng chống bệnh co giật cho trẻ em, lấy lá non và lá già phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Lá non đinh lăng còn được dùng làm rau ăn sống, làm gỏi cá v.v... và cũng là vị thuốc bổ tốt cho cơ thể.
Thân cành Đinh lăng sắc uống với liều từ 20-30g, chữa được bệnh đau lưng, mỏi gối, tê thấp, dùng phối hợp với rễ cây xấu hổ (ngủ ngày), cúc tần, cam thảo dây.
Ngoài ra, người ta thường dùng đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ.
Ðặc biệt, rượu và nước sắc rễ đinh lăng lá nhỏ ngày xưa thường được các lương y dùng để chữa chứng suy nhược cơ thể, làm thuốc bổ tăng lực, nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây đinh lăng lá nhỏ là "cây sâm của người nghèo".
Người Ấn Ðộ còn Dùng đinh lăng lá nhỏ làm thuốc hạ sốt, làm săn da và niêm mạc.
Ðể chữa sưng vú và làm thông tia sữa, cổ nhân thường dùng rễ đinh lăng 30-40g sắc với 500ml nước, cô còn 250ml, uống nóng.
Ðể chữa chứng sốt lâu ngày kèm theo ho, nhức đầu, đau tức ngực, tiểu tiện vàng, khát nước: dùng rễ, cành, lá đinh lăng tươi 30g, lá hoặc vỏ chanh, vỏ quýt 10g, lá tre tươi 20g, rễ lá cành sài hồ 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, chua me đất hoặc rau má tươi 30g, sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2-3 lần trong ngày.
Ðể chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: dùng rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 50g sắc uống trong ngày.
Ðể chữa vết thương: dùng lá đinh lăng tươi, rửa sạch giã nát đắp vào nơi bị bệnh.
Theo nghiên cứu dược lý học hiện đại:
Tác dụng của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ có nhiều điểm tương tự sâm Triều Tiên. Bột rễ đinh lăng lá nhỏ có chứa 20 acid amin, vitamin nhóm B, các nguyên tố vi lượng, trong đó có một số acid amin mà cơ thể người không thể tổng hợp được.
Về độc tính, người ta thấy đinh lăng lá nhỏ của ta ít độc hơn so với nhân sâm Triều Tiên và sâm Liên Xô Eleutherococus.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy nước sắc hoặc bột rễ đinh lăng lá nhỏ có tác dụng bồi bổ, tăng lực, khôi phục sức khỏe khi cơ thể bị suy nhược, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, làm nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi gắng sức.
Vì vậy, người ta đã dùng các chế phẩm từ đinh lăng lá nhỏ cho các vận động viên khi thi đấu, bộ đội hành quân đường dài. Các chế phẩm này cũng được dùng cho các nhà du hành vũ trụ để làm tăng sức chịu đựng và thể lực, nâng cao hiệu quả luyện tập trong tư thế tĩnh đầu dốc ngược.
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu Nga gọi các chế phẩm này là "Thuốc sinh thích nghi" (Adaptogen), đã được nước ta và Liên Xô cũ sử dụng trong chương trình vũ trụ Itercosmos.
Theo nghiên cứu của Học viện Quân sự Việt Nam:
Đinh lăng có tác dụng tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta, những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới. Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng. Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ, tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.
Dưới tác dụng của cao đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn.
Viện Y học quân sự đã dùng viên bột rễ Đinh lăng cho bộ đội tập luyện hành quân. Kết quả cho thấy khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của họ được tăng lên rõ rệt. Các nhà khoa học Việt Nam và Nga cũng nhận thấy rễ Đinh lăng có tác dụng tốt đối với các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét