I. ĐẶC ĐIỂM :
Ở nước ta, cây gừng (Zingiber officinale) được trồng phổ biến ở các hộ gia đình, chủ yếu để tiêu thụ tại chố hoặc thị trường nội địa. Gừng được dùng tươi như một loại gia vị và chế biến thành nhiều sản phẩm như kẹo, mứt, làm thuốc...
Gừng là cây thường niên, thân thảo. Thông thường cây cao 0,6 – 1m. Thân ngầm phình to chứa dưỡng chất gọi là củ, xung quanh củ có các rễ tơ. Rễ và củ chỉ phát triển tập trung ở lớp đất mặt, sâu 0 – 15cm. Số luợng chồi nằm ở củ gừng không nhiều, là nguồn giống duy nhất hiện nay để trồng rừng
Lá màu xanh đậm dài 15 – 20cm, rộng khoảng 2cm, mặt nhẵn bóng, gân ở lá hơi nhạt, lá mọc so le, thẳng đứng, có bẹ lá, không có cuống. Độ che phủ mặt đất của tán lá thấp.
Cây gừng ít khi ra hoa, trục hoa mọc từ gốc dài tới 15 – 20cm. Hoa dài tới 5cm, rộng 2 – 3cm, màu vàng xanh, có 3 cánh hoa dài khoảng 2cm, mép cánh hoa và nhị hoa mùa tóm.
Cây gừng được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 -27 độ C, lượng mưa từ 1.500 -2.500, Cây gừng thích hợp ở các vùng khí hậu có một mùa khô ngắn, có nhiệt độ không khí tương đối cao trong thời kỳ củ gừng thành thục.
Cây gừng cần đất tương đối tốt, tầng đất dày 20-40 cm, tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt nhưng dể thoát nước. Đất có hàm lượng mùn cao rất thích hợp cho trồng gừng, tốt nhất là đất thịt pha, pH 5,5 - 7.
Gừng là loài cây ưa ẩm nhưng không chịu úng nước, Gừng là loài cây ưa sáng nhưng có khả năng chịu bóng.
Cây gừng cũng sinh trưởng tương đối tốt dưới tán che của các vườn cây ăn quả và một số loại rừng trồng. Tuy nhiên, dưới độ tán che 70 % – 80 % của các rừng gỗ tự nhiên, cây gừng trồng cho năng suất củ chỉ bằng ½ năng suất trồng ở nơi ánh sáng hoàn toàn trên cùng một loại đất. Vì cây gừng có biên độ rộng về nhu cầu ánh sáng nên nó có vị trí quan trọng trong phương thức lâm nông kết hợp.
II. KỸ THUẬT TRỒNG GỪNG TRONG BAO:
So với việc trồng gừng truyền thống, thì việc trồng gừng trong bao có nhiều ưu việt như: bao gừng có thể đặt dưới đất hoặc trên giàn, trên kệ, dưới tán cây, ven lối đi, bất cứ chỗ nào mà diện tích không dùng cho sản xuất đều có thể đặt bao gừng giống để trồng. Đặc biệt là dễ di chuyển khi cần thiết để tránh sự bất lợi, giảm thiểu và thích ứng với thiên tai như lũ lụt, hạn hán. Ngoài ra phòng trừ sâu bệnh cho gừng cũng đơn giản, bao nào bị sâu bệnh dễ dàng đem ra cách ly, không để lây lan.
Trên thực tế trồng gừng trong bao đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với trồng gừng truyền thống.
1.Chuẩn bị giống:
1.1. Thời vụ:
Gừng trồng từ đầu xuân, tuy nhiên để thu hoạch gừng vào dịp tết nguyên đán nên trồng gừng vào tháng 4-5. Cuối năm khoảng từ tháng 10-11-12 hàng năm ta có thể thu gừng. Thời gian sinh trưởng của gừng từ 8-10 tháng tùy từng giống
1.2.Chọn giống:
Hiện nay có rất nhiều giống gừng được trồng: gừng trâu hoặc gừng dé ( địa phương), gừng lai ( Tiền Giang), Gừng Tàu nhập nội.... Tuy nhiên, các giống được trồng phổ biến là: Gừng trâu, củ to, ít xơ, ít cay, thích hợp cho xuất khẩu; Gừng dé được gây trồng phổ biến, cho củ nhỏ hơn, vị cay và nhiều xơ hơn, hiện nay đang được bán nhiều ở thị trường trong nước.
1.3. Chuẩn bị giống:
Gừng giống được lấy ngay sau khi thu hoạch hoặc sau khi được bảo quản trong một thời gian ngắn. Một kilogam gừng giống trồng được khoảng 20 bao( 150 kg/ sào trồng trên đất). Nên chọn gừng già có ít nhất 9 tháng tuổi trở lên để trồng.
1.4. Cách xử lý gừng giống:
Hom gừng giống được tồn trữ nơi thoáng mát, mật độ vừa phải. Trước khi ủ, hom được ngâm trong dung dịch thuốc trừ nấm bệnh CARBAN 50 SC, COPPER ZINC 85WP..., khoảng 30 phút, sau đó vớt ra để nơi khô ráo.
Sau khi xử lý mầm bệnh, để khoảng 5-7 ngày thì tiến hành bẻ hom, dùng dao bén để cắt hoặc dùng tay để bẻ hom, mỗi hom có ít nhất 3-4 mắt ( 2-5 cm). Sau khi bẻ hom, chấm tro bếp ngay để hãm nhựa, để gừng khô mặt rồi mới đem ủ cho ra mầm.
1.5. Cách ủ hom gừng:Sau cắt hom 4-6 tiếng, ta tiến hành ủ hom. Nền ủ phải cao, thoát nước tốt trải trên nền ủ 01 lớp tro trấu dày 15-20 cm, tiếp theo lót bao và xếp gừng đều cao 20 – 30cm, trên phủ bao ẩm, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối.
Cách khác là xếp gừng đều trên các khay, dưới lót bao, trên phủ bao ẩm. Sau 2-3 ngày dùng rơm rác mục sạch phủ kín, tưới ẩm và che kín để khoảng 1-2 tuần.
Sau 10-15 ngày các hom gừng nhú mắt, ta có thể đem trồng (hom già mọc chậm hơn hom bánh tẻ).
2.Chuẩn bị đất và vật liệu trồng:
2.1. Đất trồng:
Gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng... Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ đất đen 70% + phân chuồng, hữu cơ 30%.
2.2. Vật liệu:
Dùng những chiếc bao xi măng giặt sạch, bao có đường kính khoảng 40-50 cm, đục 6 lỗ nhỏ ở đáy bao để thoát nước, bẻ miệng bao xuống thấp để thuận tiện cho quá trình trồng gừng cũng như chăm sóc.
3. Cách trồng:
3.1. Tiến hành trồng:
Một bao trồng 2 miếng, đặt hom sâu 5-7 cm, mắt mầm hướng lên, dùng đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay để hom tiếp xúc tốt với đất, sau đó có thể phủ lên trên một ít rơm mục rồi tưới nước vừa đủ ẩm. Có thể xử lý thuốc trừ nấm bệnh hoặc trừ sâu sau khi trồng 3-5 ngày. Khi trồng, cần loại bỏ những hom gừng bị hư thối hoặc nhiễm nấm bệnh (tránh trường hợp nấm bệnh lây lan về sau).
3.2. Mật độ:
100m2 trồng được 150 bao, mỗi hàng xếp 2 bao để thuận lợi cho việc chăm sóc sau này.
4. Bón phân:
Lần đầu, cách thời gian trồng từ 30 đến 45 ngày. Mỗi bao gừng bón 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào một lớp hỗn hợp chất hữu cơ dày khoảng 20 cm với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 3 trấu.
Lần 2, cách thời gian bón lần một 60 ngày. Mỗi bao bón thêm 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào bao một hỗn hợp chất hữu cơ với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 4 trấu.
5.Chăm sóc:
- Tưới nước: Giai đoạn đầu, 3 ngày/ lần, tưới vừa đủ ẩm bằng thùng tưới có gắn vòi sen. Giai đoạn sau, 7 ngày/ lần, tưới đẫm nước.Cần cung cấp độ ẩm cho gừng bằng cách thường xuyên tưới nước vào khoảng sang chiều cho phù hợp tránh tình trạng làm ngập úng dẫn tới thối gừng.
- Gừng khi nhảy con làm củ thường có xu hướng trồi lên, do đó sau khi trồng khoảng 1 tháng nên thêm đất phân hữu cơ hoai mục các loại chừng 2 – 3 cm vào gốc gừng
- Làm cỏ: Khi thấy cỏ xuất hiện ta tiến hành nhổ sạch cỏ dại, kết hợp vun gốc
6. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu đục thân: thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, đục vào bên trong ăn phần non, nếu phát triển mạnh sẽ làm giảm năng suất gừng trồng. Đối với loại sâu này dùng thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như Basudin, Regent,... chú ý nên phun khi bướm sâu đục thân xuất hiện thì phòng trừ đạt hiệu quả cao.
- Bệnh cháy lá: Sử dụng CarbenZim,Bavistin …
- Bệnh héo vàng thối rũ: đây là bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm, do đó rất khó trị, chủ yếu là phun ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10 – 15 ngày phun 1 lần, các loại thuốc trị nấm gốc đồng COPPER ZINC, CARBAN 50SC... Tuy nhiên, ưu điểm gừng trồng trong bọc ít bị lây lan bệnh do bị cách ly từng bọc, khi thấy có bọc bị nhiễm, chúng ta lấy ra hủy bỏ bọc bị nhiễm bệnh đi.
- Bệnh thối củ: Đầu tiên vết bệnh xuất hiện ở bẹ lá ở gốc cây gần mặt đất, là những đốm màu nâu xám, rộng khoảng 3-5 cm có hình dạng nhất định, sau đó lan rộng ra, xung quanh có viền nâu đen, lá bị bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc làm thối một phần củ, vết thối xơ hơi xốp, bệnh nặng có thể làm chết cây và thối củ hoàn toàn.
Vệ sinh đồng ruông, thu dọn toàn tàn dư vụ trước đưa ra khỏi vườn, xử lý đất trước khi trồng, khi trồng lên luống cao để thoát nước, bón phân hữu cơ hoai mục, trồng mật độ vừa phải, bón phân đạm, lân, kali cân đối, khi bệnh xuất hiện phun thuốc Validacin, Anvin, Monceren, cabenzim.
Đối với gừng giống, khi tồn trữ, cần phun một đợt thuốc trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch để ngăn ngừa nguồn sâu bệnh phát sinh.
7.Thu hoạch:
- Gừng tươi sau khi trồng 5-6 tháng, đạt 3kg/bao. Gừng giống sau khi trồng 8-9 tháng, đạt 5kg/bao.
- Sau khi trồng 8- 9 tháng, tiến hành thu hoạch củ gừng. Trong giai đoạn này lá cây gừng đã bắt đầu chuyển sang màu vàng, cong lại, một số lá bắt đầu khô héo.
8. Cách để giống: Để củ gừng nơi khô, thoáng, mát như bảo quản khoai tây hoặc đặt các củ giống vào thùng, chậu hoặc trải đều trên sàn nhà, trên mỗi lớp củ phủ một lớp đất mịn, khô dày 1 – 2cm và cuối cùng phủ kín một lớp đất mịn trên mặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét