Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Dưa hấu 300 đồng/kg, ai cứu nông dân?

Một trái dưa hấu hiện chỉ được thương lái mua tại vườn với giá khoảng 300 - 1.700 đồng/kg và không ít hộ dân trồng dưa hấu tại Gia Lai phải rớt nước mắt đổ cho trâu, bò ăn.
Đây là chuyện diễn ra nhiều năm nhưng cho đến giờ vẫn chưa có lời giải.



Người trồng dưa hấu tại tỉnh Gia Lai phải đổ cho trâu, bò ăn vì giá dưa chỉ còn 300 đồng/kg.

Nước mắt nông dân
Nhìn vườn dưa héo úa, nằm thối ngoài đồng, anh Lê Văn Thanh (trú tổ 3, P.Tây Sơn, TX.An Khê) thở dài: “Năm nay lỗ nặng”. Thấy năm trước dưa hấu được mùa, giá cao, anh Thanh thuê 2ha đất tại xã An Trung (huyện Kông Chro) với giá 40 triệu đồng để trồng dưa. Khấp khởi vui mừng khi dưa chưa kịp lớn đã có thương lái đánh tiếng bao trọn khu ruộng. Thế nhưng, cuối vụ giá dưa hấu xuống thê thảm chỉ còn 1.700 đồng/kg, thay vì 5.000-7.000 đồng/kg như niên vụ 2015.
Anh Thanh cắn răng bỏ ra 80 triệu đồng thuê 2 chiếc xe tải lớn chở số dưa lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán sang Trung Quốc. “Sau khi trả tiền công, tiền chi phí đầu tư, tiền vận chuyển, thuê đất còn lỗ vài chục triệu đồng” - anh Thanh chua chát. Vì dưa không đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Việt (SN 1953, TX.An Khê) phải thuê xe chở đi Kon Tum bán với giá 1.000 đồng/kg. Trừ công chăm sóc của 4 thành viên trong gia đình, ông Việt lỗ hơn 400 triệu đồng.
Theo ông Trần Xuân Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai), dưa hấu chỉ là cây trồng phụ, không thuộc diện quy hoạch của Gia Lai. Ngoài người dân Gia Lai, nông dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi cũng lên tỉnh Gia Lai thuê đất, trồng dưa hấu theo kiểu tự phát, bất chấp khuyến cáo. Ông Khải cho biết, vì là tự phát nên rủi ro cao vì không có thị trường và giá cả ổn định. Đặc biệt, tâm lý chạy theo phong trào là năm trước “được giá”, năm sau trồng càng nhiều, lúc mất giá thiệt hại càng lớn.
Lý giải thêm cho điều này, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết: Dưa hấu là giống cây gối vụ, ngắn ngày, bình quân chỉ khoảng 55-60 ngày cho 1 vụ thu hoạch, sản lượng khoảng 35 tấn/ha. Vì dưa hấu cho sản lượng khá lớn, nên nếu trồng với diện tích lớn không theo quy hoạch, số lượng dưa trên thị trường sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ. “Theo quy chuẩn, dưa hấu chỉ để 1 quả/cây, nhưng nông dân ta thấy sai quả lại mừng, để tới 2-3 quả/cây nên chất lượng quả kém, mẫu mã xấu, khiến giá bán thấp, khó tiêu thụ” - ông Định chia sẻ.
Chất lượng kém, lại không được chú trọng nhãn mác, bao bì, bán theo kiểu “đổ đồng” cũng là một trong những lý do khiến dưa hấu của Việt Nam phải bán với giá thấp. Thương lái Trung Quốc chỉ chọn những quả đẹp để mua với giá thấp, rồi phân loại, chở sâu vào nội địa bán với giá cao hơn. Những quả dưa hấu bị trả về bị ế ẩm trên thị trường nội địa, khiến người trồng dưa lao đao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Điều đáng lo ngại bây giờ là Trung Quốc cũng sang Lào và Campuchia thuê đất trồng dưa, cho trái to hơn, mẫu mã đẹp và hợp yêu cầu thị trường của họ hơn. Nếu người trồng dưa không “tỉnh” sẽ thua lỗ nặng, bởi trồng dưa hấu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha” - ông Định cho biết thêm.
Trong khi đó, nhiều diện tích đất trồng dưa ở khu vực Nam Trung Bộ là đất thuê, người thuê chỉ làm một vụ rồi trả lại chủ đất trồng cây màu khác nên phải tuân thủ thời vụ, luân canh cây trồng, không thể rải vụ được dẫn đến tình trạng trồng quá tập trung vào một thời vụ, diện tích trồng quá lớn, sản lượng cao, thu hoạch tập trung thời gian ngắn nên tiêu thụ sẽ khó khăn.
Tin đồn giết quả dưa
Ngoài việc bị chê khi nhập khẩu vào Trung Quốc, quả dưa Việt Nam còn lao đao bởi những tin đồn thất thiệt. Trước thông tin cho rằng, dưa hấu bị “chê” trên thị trường Việt, bởi có dư luận cho rằng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, thậm chí có ý kiến cho rằng “cho bò ăn, bò cũng bị đau bụng”, ông Trần Xuân Định khẳng định: “Dưa hấu là cây chủ yếu được bón phân NPK, đạm, lân, kali, nên không có chuyện “độc” như dư luận đồn thổi”.



Dưa hấu tại Gia Lai rớt giá xuống còn đồng/kg.

Rõ ràng là câu chuyện đã xoay quanh một hướng khác. Sự “đỏng đảnh” của thị trường Trung Quốc, cùng những đồn thổi ác ý đã khiến giá dưa trên ruộng rớt thê thảm, người nông dân gần như thua lỗ. Trong khi đó, trên thị trường dưa hấu vẫn được bán đến tay người tiêu dùng với giá cao chót vót 17.000 - 20.000 đồng/kg.
Như vậy, chỉ khâu trung gian đã “ăn” mất của người nông dân 15.000 đồng, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có giải pháp để gắn kết giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm, thiếu thông tin thị trường… dẫn đến tình trạng “cung” vượt quá “cầu”, gây bế tắc cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Đã từng có khoảng thời gian trên mạng xã hội người ta hô hào “giải cứu dưa hấu”, tuy nhiên thân phận quả dưa sẽ mãi long đong nếu không có chính s
ách phù hợp cũng như người dân vẫn còn tin vào những tin đồn ác ý giết dưa hấu Việt Nam.
http://laodong.com.vn/kinh-te/dua-hau-300-dongkg-ai-cuu-nong-dan-523039.bld
Theo Đình Văn-Khánh Vũ/Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét