Kê nội kim còn gọi là Kê hoàng bì, Kê chuân bì, Màng mào gà, Kê tố tử (tố là mề gà), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.
Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con Gà (Gallus domesticus Brisson) thuộc họ Phasianidae. Dùng tươi hoặc cho Kê nội kim vào chảo, cho lửa vừa, sao cho đến khi bề mặt chuyển màu vàng hoặc vàng cháy gọi là Kê nội kim sao.
Tính vị qui kinh:
Kê nội kim vị ngọt tính bình, qui kinh Tỳ, Vị, Tiểu trường, Bàng quang.
Theo các sách cổ:
Sách Danh y biệt lục: hơi hàn.
Sách Nhật hoa tử bản thảo: bình không độc.
Sách Bản thảo bị yếu: ngọt bình tính sáp.
Sách Bản thảo kinh sơ: nhập 2 kinh Đại trường Bàng quang.
Sách Bản thảo tái tân: nhập 2 kinh Tỳ vị.
Thành phần chủ yếu:
Ventriculin, keratin, pepsin (lượng rất nhỏ), 17 loại aminoacid, ammonium chloratum, vitamin B1, B2.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Kê nội kim có tác dụng vận tỳ tiêu thực cố tinh. Chủ trị các chứng rối loạn tiêu hóa, thực tích, cam tích ở trẻ em, đái dầm, di tinh.
Trích đoạn Y văn cổ:
Sách Bản kinh: " chủ tả lî".
Sách Danh y biệt lục: " Chủ tiểu tiện lợi, di niệu, trừ nhiệt thượng phiền ( nhiệt xông lên làm bứt rứt)".
Sách Trấn nam bản thảo: " khoan trung kiện tỳ, tiêu thực ma vị. Trị tiểu nhi nhũ thực kết trệ, bụng to nổi gân xanh (đô đại cân thanh), bỉ tích cam tích".
Sách Bản thảo cương mục: " tiêu tửu tích, tiêu hầu tý, nhũ nga, các loại lỡ mồm nha cam".
Sách Bản thảo tái tân: " hóa đàm, lý khí lợi thấp".
Sách Y học trung trung tham tây lục: " trị huyền tích, trưng hà ( trị hạch, báng, hòn cục ở bụng), thông kinh bế".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thuốc có tác dụng trợ tiêu hóa, biểu hiện dịch vị tăng, độ acid tăng, vận động bao tử tăng ( thời gian kéo dài, sóng nhu động cao, tốc độ tống thức ăn nhanh hơn). Khả năng tiêu hóa tăng chậm nhưng kéo dài. Tác dụng của thuốc là do vị kích tố tăng tiết dịch vị hoặc do thuốc thông qua yếu tố thể dịch làm hưng phấn thần kinh cơ của của thành dạ dày.
Thuốc có tác dụng gia tăng bài tiết chất phóng xạ do thuốc có thành phần ammonium chloratum có tác dụng này.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng cam tích: bụng đầy ăn ít.
Kê nội kim sao 60g, tán bột, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 lần với nước cơm hoặc nước sôi ấm.
Kê nội kim 12g, chích Miết giáp 30g, Sơn giáp 6g, đều tán bột trộn đều. Mỗi lần 1,5 - 3,0g. Ngày uống 1 lần. Trị trẻ em cam tích, bụng to.
2.Trị chứng tiêu chảy kéo dài do tỳ hư:
Kê nội kim sao, Bạch truật sao đều 10g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 lần. Trị Viêm đại tràng mạn tính.
Bánh Ích tỳ: Kê nội kim, Bạch truật, Can khương đều 60g, Đại táo nhục 240g ( chưng chín), 3 vị trên sao chín tán bột mịn, trộn với Táo nhục giã nát trộn đều làm bánh sấy khô. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần lúc đói.
3.Trị sạn tiết niệu ( Sa lâm, Thạch lâm):
Hóa thạch tán: Lục nhất tán 30g, Hỏa tiêu 10g, đều tán bột mịn. Mỗi lần 3 - 6g, ngày 2 lần sáng và tối, Kê nội kim 10g sắc nước uống với thuốc.
Kê nội kim 12g, Kim tiền thảo 15g, Uất kim 10g, Hồ đào 15g, Hải kim sa 15g, sắc nước uống. Trị sạn mật và sạn thận.
4.Trị Viêm mồm, viêm lợi răng, viêm amidale:
Kê nội kim đốt tồn tính tán bột mịn thổi vào vùng bị viêm lóet hoặc bôi lên, có thể trộn với dầu mù u bôi lên trị mụn nhọt.
5.Trị nốt ruồi:
Dùng Kê nội kim sống 20g gia nước 200ml, ngâm 2 - 3 ngày sau bôi vào nốt ruồi, mỗi ngày 5 - 6 lần, dùng trong 10 ngày. Đã theo dõi 10 ca kết quả tốt ( Trần trường Giang, Tạp chí trung y Triết giang 1987,1:45).
Liều thường dùng và chú ý:
Liều: 3 - 10g sắc uống. Uống bột mỗi lần 1,5 - 3g, hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
Thuốc sao lên tán bột uống tốt hơn cho vào thang sắc.